0

Rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống | Safe and Sound

Rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống là một rối loạn tâm thần lo âu gặp ở khoảng 0,9% người trưởng thành tại Mỹ với tỷ lệ nam giới nhiều hơn. Theo các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý, hội chứng này có đặc điểm là nỗi sợ bị mắc kẹt trong một tình huống khó trốn thoát, hay không có cứu hộ khi mọi thứ xấu đi.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Dự án chăm sóc sức khoẻ tinh thần Safe and Sound

Trung tâm Nghiên cứu Sức khoẻ Cộng đồng và Phát triển

1. Rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống là gì?

Theo chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống là một rối loạn lo âu đặc trưng bởi sự hoảng sợ hoặc lo âu mãnh liệt khi ở một địa điểm hoặc tình huống khó tìm ra lối thoát, khiến người bệnh né tránh những nơi gây ra nỗi sợ này như ra khỏi nhà một mình, đi du lịch bằng ô tô, xe buýt, máy bay hoặc ở những nơi đông người khác.

Hội chứng rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống chỉ được bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý chẩn đoán khi tình trạng diễn ra liên tục trong ít nhất 6 tháng và gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với cuộc sống. Đa phần những người mắc bệnh lý này đều phụ thuộc vào người thân, bạn bè thân thiết và thậm chí không dám bước ra khỏi nhà do nỗi sợ hãi lấn át.

Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần cho biết, người bệnh có thể gặp các triệu chứng điển hình của rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống như:

  • Sợ đi ra ngoài một mình
  • Sợ đám đông hoặc chờ xếp hàng
  • Sợ các không gian kín như rạp chiếu phim, thang máy hoặc các cửa hàng nhỏ
  • Sợ các không gian mở như bãi đỗ xe, cầu hoặc trung tâm mua sắm
  • Sợ sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, máy bay, tàu hoả

Ảnh 1: Người mắc hội chứng ám ảnh sợ khoảng rộng luôn thường trực nỗi sợ với những tình huống có đông người và khó tìm thấy lối thoát

Tâm lý của người bệnh khi gặp những tình huống này thường là sợ hãi không thể trốn thoát hoặc tìm sự trợ giúp nếu hoảng sợ và có các triệu chứng bất lực, thao túng khác.

2. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống

Hiện nay, vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra chứng ám ảnh sợ khoảng trống. Nhưng các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần cũng phát hiện ra bệnh ám ảnh sợ khoảng trống thường có liên quan đến yếu tố di truyền trong gia đình và thường khởi phát sau một sự kiện gây chấn động. Bệnh có thể xuất hiện đột ngột hoặc tăng dần.

  • Yếu tố gia đình, di truyền: Di truyền và yếu tố gia đình luôn có mặt trong cơ chế bệnh sinh của các dạng rối loạn lo âu bao gồm cả rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống. Các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý nhận thấy, nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý tăng lên đáng kể nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh. Nguyên nhân có thể do tác động của gen hoặc suy nghĩ, nhận thức lệch lạc của người bệnh tác động đến quá trình hình thành suy nghĩ và tính cách của trẻ nhỏ.

Ảnh 2: Di truyền là một trong những yếu tố có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống

  • Đặc điểm tính cách: Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, tính cách có liên quan mật thiết đến các rối loạn lo âu. Người mắc chứng sợ khoảng trống thường khá nhút nhát, hướng nội, hay lo âu, tự ti và phụ thuộc nhiều vào gia đình. Trong khi đó, những người có tính cách hoạt bát, vui vẻ, dễ hòa nhập ít gặp chứng bệnh này hơn.
  • Sang chấn tâm lý: Sang chấn tâm lý cũng là yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của hội chứng sợ khoảng rộng. Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần khuyến cáo, nỗi sợ hãi quá mức về không gian kín, mở có thể hình thành khi trải qua những sự kiện có tính chất tổn thương nghiêm trọng như bị bắt cóc và nhốt trong không gian hẹp, bị bỏ rơi ở những nơi đông người, trải qua tai nạn khi sử dụng phương tiện công cộng,…
  • Yếu tố nguy cơ: Ngoài ra, nguy cơ mắc hội chứng ám ảnh sợ khoảng trống cũng có liên quan đến những yếu tố như mắc chứng rối loạn hoảng sợ và các ám ảnh sợ hãi khác, từng bị lạm dụng, cha mẹ mất sớm hoặc bị bỏ rơi từ nhỏ, là nữ giới,…

Theo các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý, rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống chủ yếu khởi phát từ thời thơ ấu hoặc cuối tuổi thiếu niên, đầu giai đoạn trưởng thành. Hầu hết những trường hợp mắc hội chứng này đều khởi phát triệu chứng đầu tiên trước năm 35 tuổi. Người lớn tuổi cũng có thể phát hiện chứng bệnh này nhưng tỷ lệ ít gặp hơn.

3. Phương pháp điều trị rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống

Người mắc chứng rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống đáp ứng hiệu quả với phương pháp trị liệu tâm lý và dùng thuốc. Tuy nhiên, các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý khuyến cáo, việc điều trị có thể tốn nhiều thời gian nên đòi hỏi bệnh nhân cần phải hết sức kiên nhân và tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ.

3.1. Liệu pháp trị liệu tâm lý

Người bệnh sẽ trao đổi với chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần để đưa ra mục tiêu điều trị và học các kỹ năng thực tế để xoa dịu các triệu chứng lo âu. Liệu pháp trị liệu hành vi nhận thức là một trong những cách trị liệu tâm lý có hiệu quả nhất cho các rối loạn lo âu, bao gồm chứng sợ không gian rộng.

Ảnh 3: Trị liệu tâm lý là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống

Thông thường trong một đợt điều trị ngắn ngày, liệu pháp hành vi nhận thức tập trung vào việc hướng dẫn người bệnh các kỹ năng để giải quyết lo âu tốt hơn, đối diện với các nỗi lo lắng và giúp họ dần dần quay trở lại các hoạt động mà họ đã từng tránh né do lo âu. Thông qua quá trình này, các triệu chứng của người bệnh sẽ được cải thiện khi có được thành công ban đầu.

3.2. Điều trị bằng dùng thuốc

Một vài loại thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng để điều trị chứng ám ảnh sợ khoảng trống và đôi khi thuốc chống lo âu cũng được sử dụng nhưng hạn chế hơn. Các thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin (SSRIs) như fluoxetine, sertraline được sử dụng để điều trị rối loạn hoảng sợ với chứng sợ khoảng rộng, đặc biệt là triệu chứng lo âu.

Cần vài tuần để thuốc có tác dụng và bạn có thể phải thay đổi thuốc nhiều lần trước khi bác sĩ tìm được loại thuốc có tác dụng cao nhất đối với bạn.

Khi bắt đầu sử dụng và sau khi ngưng sử dụng thuốc chống trầm cảm đều có thể đem lại các tác dụng phụ không mong muốn như gây cảm giác khó chịu hoặc thậm chí gây ra các triệu chứng của cơn hoảng loạn. Vì lý do này mà bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý thường sẽ tăng dần dần liều lượng thuốc trong quá trình điều trị và giảm liều từ từ khi bạn đã sẵn sàng ngừng dùng thuốc.

Ảnh 4: Bệnh nhân cần sử dụng thuốc để giảm lo lắng, căng thẳng và phiền muộn do rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống gây ra

Các thuốc an thần như benzodiazepine trong một số trường hợp có thể sử dụng để làm giảm lo lắng cấp tính trong thời gian ngắn. Tuy nhiên vì có khả năng gây nghiện nên các thuốc này cần được giám sát chặt chẽ bởi bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý.

: Rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound